Ứng xử đúng quy tắc trên mạng xã hội

08:09, 17/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) được Bộ TT&TT ban hành mới đây là nhằm làm lành mạnh hóa MXH tại Việt Nam. Thế nhưng, một số đối tượng núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” đã tung ra các thông tin trái chiều, vu khống chính quyền ngăn chặn tự do ngôn luận. Điều này là đi ngược lại với thực tế ở Việt Nam.
[links()]
 
Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ TT&TT ban hành (ngày 17/6/2021) nhằm mục đích đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, qua đó góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.
 
Việc quản lý thông tin trên MXH được thực hiện trên cơ sở các quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
 
Người dùng mạng xã hội cần tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH của Bộ TT&TT.                                                    Ảnh: Internet
Người dùng mạng xã hội cần tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH của Bộ TT&TT. Ảnh: Internet
Sau khi Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành, nhiều đối tượng “dân chủ”, phản động, chống đối, cơ hội chính trị, cũng như một số báo, đài nước ngoài có cái nhìn thiếu thiện cảm, phiến diện, sai lệch với Việt Nam đã rêu rao, lan truyền trên MXH những luận điệu thiếu khách quan, đi ngược lại thực tế. Các đối tượng này cho rằng, Bộ Quy tắc này có một vài quy định gây quan ngại cho những người hoạt động cổ súy cho “tự do và nhân quyền” và vu khống rằng nó sẽ “gây mất tự do ngôn luận”.
 
Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin, nhất là với thông tin trên Internet. Việc đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Song, cũng như các quyền khác của con người, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin phải trong khuôn khổ pháp luật và “không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. Những người sử dụng MXH tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, trong đó có Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH thì chắc chắn sẽ không hề hấn gì. Ngược lại, việc vi phạm quy định pháp luật trên môi trường mạng sẽ bị xử lý.
 
Việt Nam phát triển Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân. Trong những năm gần đây, Internet và các MXH phát triển khá mạnh mẽ ở nước ta. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có số lượng người dùng Internet hơn 68 triệu người (chiếm khoảng 70% số dân), số lượng người sử dụng MXH hơn 65 triệu người (chiếm khoảng 67%). Bên cạnh những mặt tích cực trong việc chia sẻ thông tin, là một “kênh” mới để thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội, thì MXH cũng cho thấy không ít mặt tiêu cực. Thời gian qua, không ít tài khoản đăng tải nhiều video/clip trên Internet phao tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật; lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
 
 Những thông tin này phần nào đã gây hoang mang trong nhân dân. Như mới đây, sau khi Chính phủ tổ chức Lễ ra mắt Quỹ vắc  xin phòng, chống Covid-19 thì với động cơ chính trị thiếu trong sáng, đã có những luận điệu vô lý nhằm xuyên tạc chủ trương đúng đắn này. Trên một số trang MXH đã xuất hiện những ý kiến thiếu thiện chí, phiến diện, một chiều nhằm cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật về những nghĩa cử cao đẹp, hành động đúng đắn, nhân văn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của nhân dân ta. Trong khi Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán trong việc chăm lo sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Dù điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, nguồn lực còn hạn chế, song Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang tập trung mọi nguồn lực, nhiều giải pháp để có đủ nguồn vắc xin tiêm miễn phí cho người dân trong nước, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, tiến đến kiểm soát đại dịch Covid-19.
 
Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH không phải là “công cụ để Nhà nước ngăn cản tự do ngôn luận” như những gì mà các đối tượng xấu cố tình đưa ra. Được xem là “thế giới ảo” nhưng những hệ quả mà MXH lại tác động trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội và an ninh quốc gia. Vì vậy, việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH là cần thiết, nhằm để xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, phục vụ sự phát triển và hội nhập với quốc tế của Việt Nam. 
 
 
Bốn quy tắc ứng xử chung
 
Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung gồm: Quy tắc tôn trọng (tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân); quy tắc lành mạnh (hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); quy tắc an toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin); quy tắc trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

 

HOÀNG HÀ
 
 
 
 
 

.