KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN BẦU RA QUỐC HỘI VIỆT NAM (6.1.1946 - 6.1.2021)
Khẳng định vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân

09:01, 06/01/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- 75 năm, kể từ ngày tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động. Lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, Quốc hội luôn có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước, của nhân dân.
[links()]
Ký ức về ngày Tổng tuyển cử đầu tiên
 
Trong ký ức của nhà lão thành cách mạng Nguyễn Dư (96 tuổi), ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) thì ngày này 75 năm trước, không khí chuẩn bị tổng tuyển cử tại địa phương rất sôi nổi. Tự hào, phấn khởi là cảm nhận của cụ Dư khi lần đầu tiên trong cuộc đời được tự tay mình bỏ phiếu để bầu chọn những đại biểu ưu tú vào Quốc hội gánh vác việc nước.   
Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh trò chuyện với người dân huyện Ba Tơ.  Ảnh: Nguyễn Triều
Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đinh Thị Hồng Minh trò chuyện với người dân huyện Ba Tơ. Ảnh: Nguyễn Triều
“Hồi đó, tôi đảm nhận trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân đi bầu cử và chuẩn bị công tác khánh tiết. Các ban bầu cử được thành lập tới tận làng, xã. Tại các điểm bầu cử đều treo cờ Tổ quốc, bên dưới là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh dựng một bảng đen viết bằng phấn trắng họ tên của các ứng cử viên. Tuy chưa tiến hành hiệp thương và tổ chức tiếp xúc cử tri như bây giờ, nhưng danh sách các ứng cử viên cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi và phổ biến rộng rãi tới cử tri”, cụ Dư nhớ lại. 
 
Lúc bấy giờ nhận thức chính trị về cuộc bầu cử của đại đa số người dân trong tỉnh còn rất hạn chế. Nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, đúng 7 giờ sáng ngày 6.1.1946, 271.187 cử tri Quảng Ngãi đã hăng hái tham gia bỏ phiếu.
 
“Năm 1946 là năm tôi đúng tuổi đi bầu cử. Không khí ngày đó rất nô nức. Người dân rất háo hức khi được thực hiện quyền công dân. Thời gian đó chưa có bản in tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên phân phát rộng rãi cho cử tri như bây giờ. Mặt khác, đa số người dân còn mù chữ nên phải có người hỗ trợ đọc tiểu sử ứng cử viên và hướng dẫn bỏ phiếu. Tôi cầm lá phiếu mà thấy tự hào vô cùng. Bởi đó không chỉ là việc bầu người đại diện cho mình lo việc dân, việc nước, mà là kết quả xương máu của biết bao người đã đổ xuống”, cụ Võ Văn Ba (94 tuổi), ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) kể. 
 
Kể từ sau lần bỏ phiếu đầu tiên ấy đến nay, cụ Dư, cụ Ba đều đã có thêm 13 lần bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội nữa. Mỗi lần như vậy đều mang lại những cảm xúc riêng cho các cụ. Họ luôn căn dặn con cháu phải tham gia đầy đủ, trách nhiệm trong mỗi lần bầu cử Quốc hội. Bởi đó là niềm vinh dự, tự hào và là bổn phận của công dân.
 
Xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân và cử tri
 
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, ngày 5.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội: “...Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.  
Cụ Nguyễn Dư, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) kể về Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946.
Cụ Nguyễn Dư, ở phường Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) kể về Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946.
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng đó, ngày 6.1.1946, với tinh thần yêu nước và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... từ 18 tuổi trở lên đã nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại của thế lực xâm lược và chống đối. 
 
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã thắng lợi vang dội trên phạm vi cả nước. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh lịch sử của mình.
 
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã đi vào lịch sử nước nhà như một mốc son chói lọi. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
 
Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Trải qua 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) đã thể hiện nhiều dấu ấn nổi bật về tiến trình lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước với việc ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, khẳng định vai trò là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân...
 
Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và những đóng góp của đại biểu dân cử, tin tưởng rằng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV tới đây tiếp tục đánh dấu sự phát triển của cơ quan đại diện cho dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, chăm lo tốt hơn đến đời sống dân sinh như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.
Nhiều đổi mới  
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh (khóa XIV) Phạm Thị Thu Trang phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: HOÀNG TÂN
Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh (khóa XIV) Phạm Thị Thu Trang phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: HOÀNG TÂN
Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016- 2021 đã đánh dấu bước tiến vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Lần đầu tiên phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị thông minh được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng như cung cấp các tài liệu kỳ họp, tìm kiếm nhanh các tài liệu bằng giọng nói... đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
 
Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” cũng là một điểm nhấn quan trọng trong nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới trong cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội để thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Điển hình nhất là tại Kỳ họp thứ 9, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức thành công kỳ họp theo hình thức kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bài, ảnh: SA HUỲNH
 
 
 
 
 
 
 
 

.