Trí thức hóa nông dân

05:06, 13/06/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Có lẽ, đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm qua, chúng ta có một vị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chính thức bàn công khai một đề tài vừa sâu sắc, vừa quá khó so với thực tiễn hiện nay. Đó là vấn đề làm thế nào để “Trí thức hóa nông dân”.  Đúng là ngày xưa chúng ta đã có một tầng lớp tinh hoa trong nông nghiệp, những người nông dân tự học, tự suy nghĩ, tự thực hành trong nông nghiệp để trở thành những “lão nông tri điền”.
 
Có thể những kiến thức về nông nghiệp thời xưa còn đơn giản, nhưng hàm lượng kinh nghiệm, hàm lượng thực tế trong những kiến thức tưởng chừng đơn giản ấy lại không hề đơn giản. Nhiều khi, người ta phải tích lũy, suy ngẫm, chắt lọc cả một đời, cả nhiều đời làm ruộng mới có được.
 
Nông dân xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) ứng dụng công nghệ lên men chế biến thức ăn chăn nuôi bò. Ảnh: PV
Nông dân xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) ứng dụng công nghệ lên men chế biến thức ăn chăn nuôi bò. Ảnh: PV
“Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”, đó là kinh nghiệm nhưng đó cũng là kiến thức của nhà nông. Kiến thức về chân ruộng cũng là kiến thức vô tận, nhiều khi bất ngờ tới mức một nhà nông học phải kinh ngạc.
 
Nhưng bao nhiêu năm nay, nhất là từ sau năm 1975 tới bây giờ, những “lão nông tri điền” ngày càng thưa vắng trên đồng ruộng, trong ao cá, trong chuồng trại nuôi gia súc, trên các mảnh vườn với đủ loại cây trái... Đó là điều vô cùng đáng tiếc, vì những “lão nông tri điền” ấy xuất phát từ chính ruộng đồng mà ra, chứ không phải từ lý thuyết sách vở. Bây giờ rất cần những người trẻ có kiến thức về nông nghiệp, nhưng chỉ kiến thức sách vở không thì chưa đủ. Nhiều khi, lại nhớ những ông già nông dân biết yêu thương cây trái, biết gắn bó ruộng đồng, biết tính toán những điều tưởng chừng đơn giản mà vô cùng hữu ích.
 
Dù bây giờ đã có không ít phương tiện công nghệ thay con người “trông trời trông đất” rất chính xác, nhưng với ruộng đồng, với cây lúa thì công nghệ đơn thuần là không đủ, mà vẫn rất cần tình yêu thương, cần tâm hồn của người nông dân gắn bó với ruộng đồng.
 
“Trí thức nông dân” phải bắt đầu từ tình cảm, tình yêu với nghề nông. Nhưng bao lâu nay, chúng ta hãy nhìn vào các trường đại học, cao đẳng nông nghiệp mà xem, số thí sinh đăng ký thi vào học hằng năm là bao nhiêu? Nếu nước ta cơ bản là một quốc gia nông nghiệp, thì số lượng những sinh viên, những chuyên viên am hiểu nông nghiệp hằng năm về lại ruộng đồng có ít quá không? Thậm chí, bây giờ, nhiều nơi nông dân trả ruộng vì canh tác chỉ thua lỗ, nhiều người mỗi khi nhìn vào đất ruộng chỉ thấy hiện lên những “khu dân cư”, những cơ hội để mua bán đất nền... 
 
Suy nghĩ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan là rất sâu sắc, những ý tưởng của ông rất sáng rõ, nhưng làm sao để biến những điều đó thành hiện thực thì có lẽ phải cần một thời gian không hề ngắn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nói, tôi rất ấn tượng với một đúc kết rằng, mọi sự hỗ trợ đều là vô nghĩa nếu người nông dân không thay đổi. Mọi sự hỗ trợ phải bắt đầu từ hỗ trợ, khuyến khích người nông dân thay đổi, trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực với cuộc sống, cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ. 
 
Đúng là như thế, nhưng làm sao để có được những điều ấy?
 
THANH THẢO
 

.