Để cán bộ phát triển toàn diện

09:05, 15/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ. Mục đích đặt ra là nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ...
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Để huấn luyện cán bộ, một trong những yêu cầu đặt ra là phải luân chuyển cán bộ, nhằm tạo môi trường cho cán bộ rèn luyện, phát triển toàn diện, tận tâm, tận lực phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thực tế trong những năm qua, công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược luôn được Đảng ta chú trọng thực hiện và đạt được một số kết quả quan trọng. Đặc biệt là, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ cấp chiến lược.
 
Quy định số 65 tiếp tục khẳng định: Công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển. Giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài...
 
Theo Quy định số 65, cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và cấp trưởng các ngành: Công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện.
 
Quy định này sẽ thúc đẩy thực hiện chủ trương về bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Thực hiện như vậy sẽ đảm bảo sự khách quan, vì cán bộ không phải người địa phương sẽ không bị nhiều ràng buộc, cũng như hạn chế tối đa tình trạng quan hệ thân thuộc, sân sau, lợi ích nhóm... Bên cạnh đó, cán bộ ở nơi mới về sẽ nỗ lực thể hiện năng lực, bản lĩnh của bản thân, nhất là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để vươn lên khẳng định bản thân trong thực tiễn công tác.
 
PHẠM DANH
 

.