Phải nhìn thực tế hơn về du lịch

10:01, 19/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Người ta hay nói “Du lịch là con gà đẻ trứng vàng”. Nhưng để có quả trứng vàng ấy thì lo “cái ổ” cho gà đẻ trứng, thức ăn cho gà bồi dưỡng khi đẻ trứng, và “đầu ra” để trứng gà bán được giá... là cực kỳ quan trọng.
[links()]
 
Khi đại dịch Covid-19 đánh thẳng vào hạ tầng kinh tế, từ giao thông, y tế, dịch vụ, mua sắm, ăn uống, khách sạn, vui chơi giải trí... thì không thể dự đoán một cách mơ hồ là sau đại dịch, du lịch và hàng không sẽ phục hồi mạnh mẽ, theo kiểu “lò xo nén càng sâu thì bật càng mạnh”. Bởi cái “lò xo” ấy chỉ bật ra mạnh khi nó được cả một hạ tầng kinh tế lớn lao và chằng chịt tạo điều kiện một cách cụ thể cho nó. Kinh tế là cả một hệ thống kết nối, phức tạp và nương tựa vào nhau, trong khi du lịch hay hàng không lại thuộc “kinh tế thượng tầng”, nếu không có sự nâng đỡ của “hạ tầng” vật chất cụ thể trong nền kinh tế, thì không thể nào “bật” lên được.
 
Lý Sơn cần có những giải pháp
Lý Sơn cần có những giải pháp "kích cầu" để thu hút du khách, phát triển du lịch trở lại sau đại dịch. Ảnh: PV
Trong khi chờ điều kiện của “kinh tế hạ tầng” để du lịch “bật” lên, thì với du lịch Việt Nam hiện tại, vào đầu năm 2022 này, nói như ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietravel Holdings, tại tọa đàm “Quản trị rủi ro trong du lịch” do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp Đại học Hoa Sen tổ chức mới đây, có hai điều cụ thể cần quan tâm nhất, đó là: Du lịch chỉ "sống lại" khi các ngành khác hồi phục và nhích 1cm cũng là sống, chậm là thua. Nghĩa là, chỉ khi “nước lên” thì du lịch mới thực sự nổi lên. Nhưng không thể ngồi im chờ thời, mà phải năng động ngay những lúc khó khăn nhất, phải “nhích từng centimét” khi có cơ hội, dù nhỏ nhất, để sống còn, dù sống trong điều kiện tối giản.
 
Tôi có thể chưa thật rành rõi về những khó khăn của ngành du lịch, nhưng trong đại dịch này, có một điều ai cũng thấy là mọi ngành đều bất ngờ, đều bị động rất nhiều, dù hậu quả thì mỗi ngành nhận một cách khác nhau về mức độ. Riêng ngành du lịch, có thể nói, bị thiệt hại quá nặng. Nhưng quan điểm của vị Tổng Giám đốc Viettravel Holdings thì phải công nhận là rất tích cực, dù cái nhìn không kém thực tế: “Nhích 1cm cũng là sống, chậm là thua”. Bây giờ mà đòi có hàng triệu, hàng chục triệu khách du lịch cả trong nước và nước ngoài ngay thì chưa thể có, nhưng những đột phá du lịch ở Phú Quốc, ở Cam Ranh cho thấy, khi du lịch đặt mục tiêu an toàn lên cao nhất, đồng thời tổ chức được những tour du lịch trong khả năng mình kiểm soát tốt về dịch bệnh, thì dù “nhích 1cm” hay mấy centimét cũng hoàn toàn khả thi. Khi chấp nhận “sống chung với Covid-19”, thì những bước thăm dò và thực hiện đầy trách nhiệm sẽ đưa du lịch Việt Nam phát triển từng bước, trở lại từng bước một cách chắc chắn và an toàn.
 
Còn nhớ, 35 năm trước, phi công Mai Trọng Tuấn của Hàng không Việt Nam đã đề xuất một dự án phát triển ngành hàng không kết hợp du lịch, gọi là dự án VUETA. Dự án này lúc ấy dù được những tờ báo đổi mới mạnh mẽ như báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ nhiệt tình ủng hộ, nhưng đã bị gạt đi không thương tiếc. Bản thân tác giả dự án bị kỷ luật. Cái dự án mà chỉ sau đó dăm năm, ai cũng thấy đó là một đề xuất hợp lý và nhiệt huyết để góp phần phát triển đất nước.
 
Bây giờ, đất nước có nhiều cơ hội để phát triển. Tư duy của lãnh đạo cũng thoáng hơn. Vậy thì, những đề xuất mang tính sáng tạo về cách “sống chung với Covid-19” để phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch là cần thiết và đáng khuyến khích. Dĩ nhiên, vẫn rất cần một cái nhìn thực tế, nhưng cũng không được bi quan, vì dịch bệnh vẫn chưa bị dập tắt.
 
THANH THẢO
 

.