Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

12:05, 24/05/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 22.5, tiếp tục các nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu tỉnh Đinh Thị Hồng Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Mở đầu phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao với nội dung tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 
Tham gia tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, đại biểu tỉnh Đinh Thị Hồng Minh- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tán thành bổ sung vào Điều 6 quy định MTTQVN thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL để thống nhất với quy định của Luật MTTQVN về hoạt động phản biện xã hội. Như vậy, MTTQVN có thể thực hiện quyền góp ý kiến  dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
 
“Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hoạt động tham gia góp ý kiến dự thảo VBQPPL của Mặt trận còn nhiều hạn chế; điều kiện về con người am hiểu nhiều lĩnh vực, chuyên môn cao chưa được đáp ứng nên chưa bảo đảm tham gia góp ý kiến với tất cả các VBQPPL. Giờ quy định MTTQVN thực hiện phản biện xã hội với các VBQPPL thì khó bảo đảm điều kiện để thực hiện đầy đủ và bảo đảm về chất lượng, gây chậm trễ cho việc ban hành văn bản, nhất là ở địa phương. Do vậy, để bảo đảm tính hiệu quả của phản biện xã hội trong xây dựng VBQPPL ở địa phương, tôi đề nghị xem xét giới hạn phạm vi phản biện, chỉ áp dụng phản biện xã hội đối với trường hợp HĐND ban hành nghị quyết để quy định “Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển KT- XH của địa phương. Các trường hợp khác, nếu thấy cần thiết thì MTTQVN tham gia ý kiến vào dự thảo văn bản”- đại biểu Đinh Thị Hồng Minh bày tỏ.
 
Đại biểu Đinh Thị Hồng Minh tham gia phát biểu thảo luận
Đại biểu Đinh Thị Hồng Minh tham gia phát biểu thảo luận

Về ban hành nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND cấp huyện, cấp xã được quy định ở Điều 30 của Luật, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh cho rằng, Luật hiện hành quy định “HĐND cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao”. Có nghĩa là vấn đề phải được giao trong văn bản luật, không được giao ở nghị định hoặc thông tư, điều này gây khó khăn, lúng túng trong thực tiễn thực hiện. Và thực tế, ít có văn bản luật giao nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến cấp huyện, xã.
 
Mặt khác, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND, UBND ban hành nghị quyết, quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng khi áp dụng quy định của Luật Ban hành VBQPPL, chính quyền địa phương nhiều nơi lúng túng trong việc xác định văn bản quản lý nhà nước do mình ban hành có thuộc văn bản quy phạm pháp luật hay không, dẫn đến thực hiện không thống nhất. 
 
Vì vậy, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh đề nghị bổ sung quy định HĐND, UBNDcấp huyện, cấp xã được ban hành văn băn quy phạm pháp luật để quyết định những vấn đề thuộc phạm vi được phân cấp, phân quyền hoặc biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (tại khoản 4, Điều 27) phù hợp với điều kiện, đặc điểm riêng của địa phương.
 
Đại biểu Đinh Thị Hồng Minh cũng tán thành với quy định “Đối với dự thảo quyết định liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp chủ trì soạn thảo thì Giám đốc Sở Tư pháp thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học”. 
 
Tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh đề nghị xem xét quy định cụ thể một số trường hợp có thể không phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định để đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thẩm định.
 
Tại phiên thảo luận các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận về các nội dung về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết; trách nhiệm thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; về xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý và nội dung của dự thảo Luật. Trong đó nhiều nội dung nhận được sự thống nhất cao như về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phản biện xã hội của MTTQVN, chủ trì giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, việc bổ sung hình thức văn bản, bổ sung hình thức văn bản, trách nhiệm thẩm tra dự án.
 
Bên cạnh đó, còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như về văn bản quy định chi tiết thi hành, hiệu lực áp dụng văn bản… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là những vấn đề đã được thảo luận nhiều lần, có nhiều ý kiến khác nhau và phương án quy định trong dự thảo luật lần này được coi là khả dĩ nhất trong các phương án được nêu ra từ trước đến nay.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết các ý kiến của đại biểu được tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
H.P

.