Phát triển kinh tế số và xã hội số

06:07, 26/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định số 906, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%...  Riêng phát triển xã hội số, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%...
 
[links()]
 
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu trong cách mạng công nghiệp 4.0 và đây cũng là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.
 
Theo một công bố mới đây của Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore), nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, đóng góp hơn 5% GDP của cả nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Ðông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29%/năm). Điều đó cho thấy, nước ta đang đứng trước cơ hội vàng để thúc đẩy nền kinh tế internet. Cũng chính vì vậy, Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP và đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP...
 
Đối với Quảng Ngãi, vấn đề chuyển đổi số được UBND tỉnh và các ngành, nhất là ngành TT&TT đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh đã xây dựng, trình HĐND tỉnh quyết định ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án chuyển đổi số hoạt động cơ quan hành chính nhà nước tỉnh; xây dựng kho dữ liệu số phục vụ phát triển kinh tế số. Đồng thời, đang triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030"  (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ.
 
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia. Thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số...
 
Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã và đang nỗ lực chuyển đổi số nhằm thực hiện đạt và vượt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số của các địa phương đến năm 2025 đạt 20% GDP, hoặc tỷ trọng kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực đến năm 2025 đạt tối thiểu 20%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, thì việc thực hiện các chỉ tiêu này đối với một số ngành, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các nhóm ngành, nghề truyền thống và với các địa phương thì gặp khó về hạ tầng, cơ sở dữ liệu... Để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số cần phải lấy sự đoàn kết, chia sẻ, kết nối làm trọng tâm. Người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hợp lực, đoàn kết để chung tay thực hiện mục tiêu đưa tỷ trọng kinh tế số phát triển.
 
PHẠM DANH
 

.