Đảng mãi trong tim

02:10, 18/10/2021
.

 

 

 

Mỗi lần về thăm và làm việc tại Quảng Ngãi, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều dành thời gian đến thăm cụ Phạm Thanh Biền, nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Trong căn nhà nhỏ ở hẻm đường Phạm Văn Đồng, TP.Quảng Ngãi, cuộc gặp gỡ giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cụ Biền luôn dào dạt nghĩa tình đồng chí, với bao câu chuyện về trách nhiệm của người cán bộ đối với Đảng, với nhân dân.
 
Cụ Biền luôn căn dặn: Đoàn kết trong Đảng là vô cùng quan trọng. Có đoàn kết thì Đảng mới mạnh, dân mới vững tin. Cụ cũng bày tỏ sự tin tưởng, đất nước ta sẽ ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như Bác Hồ hằng mong muốn. 
 
Năm nay, cụ Biền tròn 100 tuổi và với 76 năm tuổi Đảng, cụ là "cây cao bóng cả" của đất mẹ Quảng Ngãi kiên cường; là điểm tựa niềm tin của bao thế hệ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà. 
 
Trong cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi năm 1959, cụ Biền là người trực tiếp chỉ huy và giành thắng lợi vẻ vang. Đây cũng là cuộc khởi nghĩa vũ trang sớm nhất ở miền Nam, do đồng bào các dân tộc ở miền Tây Quảng Ngãi nhất tề đứng lên chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lúc bấy giờ.
 
Trong ngôi nhà ở quê của ông tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn hiện lưu giữ hàng trăm kỷ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông. Tiêu biểu là tấm ảnh ông trao lá cờ cách mạng thêu dòng chữ: “Suốt đời đi theo Bác Hồ làm cách mạng” tại Hội nghị Gò Rô, xã Trà Phong ngày 7/7/1958. Lúc bấy giờ, cụ Triều, cụ Kiến được cử lên nhận cờ và đã đáp lời: “Nhân dân Trà Bồng, người dân tộc Cor xin hứa suốt đời theo Bác Hồ làm cách mạng, dù có chết, có cực khổ đến mấy, dù phải đánh hết đời này qua đời khác”. 
 
Đó là minh chứng cho đôi chân không biết mỏi của người chỉ huy năm xưa. Dù đó là núi cao, vực thẳm, mưa bom lửa đạn, ông vẫn luôn có mặt để cùng với quân và dân ta chiến đấu đến cùng. Và ông đã giữ vẹn nguyên một lời thề, một tình yêu đối với Đảng, với Bác Hồ cho đến ngày non sông đất nước thống nhất và cho cả hôm nay. 
 
Ông bày tỏ: "Thời nào cũng vậy, cán bộ phải được lòng nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu và cống hiến, thì sự nghiệp cao quý của Đảng mới thành công". 
 
Còn với Đại tá Trần Ngọc Giao, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5, hiện ở phường Phổ Văn, TX.Đức Phổ thì bảo: “Đảng mãi trong tim tôi, là mạch nguồn chảy xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng và cả trong những năm tháng về hưu. 
 
Có lẽ vì thế mà trong ngôi nhà mái ngói đơn sơ của vị đại tá về hưu này luôn đầy ắp những kỷ vật của người chiến sĩ cách mạng năm xưa, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đặc biệt là bức tranh sơn dầu "Nụ cười chiến thắng" đăng trên tờ Thông tấn xã Việt Nam sau ngày giải phóng. 
 
“Bức tranh này do một tay sĩ quan ngụy vẽ năm 1975 khi đang cải tạo ở Trại giam Bình Định. Trong một lần đi công tác, thấy tay sĩ quan ngồi vẽ tranh, tôi đưa bức ảnh trong tờ báo cất giữ lâu nay và nhờ anh ta vẽ”, Đại tá Trần Ngọc Giao kể.
 
Nguyên gốc của bức tranh là tấm ảnh do một phóng viên người Nhật chụp chân dung nữ sinh miền Nam Võ Thị Thắng với nụ cười rạng rỡ, hiên ngang lúc bị địch kết án tù. Đó là, khi bị địch tuyên án 20 năm khổ sai, nhưng Võ Thị Thắng vẫn hiên ngang nói giọng đanh thép với kẻ thù: "Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?". 
 
Đại tá Trần Ngọc Giao bộc bạch: Khí phách của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến chống giặc ngoại xâm là vậy đó. Mà đúng hơn là thời nào cũng vậy, vì đó là truyền thống bao đời nay của dân tộc Việt Nam, nó đã ngấm sâu vào trong máu thịt của mỗi người dân.
 
Năm nay, cụ Giao 97 tuổi đời, với 72 năm tuổi Đảng. Cụ cho rằng, đó là sự may mắn của cụ, vì đồng đội đã phải hy sinh để nhường lại sự sống cho ông và mọi người. Người con duy nhất của ông là đại tá công an Trần Hoàng Triệu, nay đã nghỉ hưu là cũng theo ông làm cách mạng khi mới 15 tuổi và noi gương ông giữ vững khí tiết của người đảng viên.
 
Đại tá Trần Ngọc Giao nhớ lại: Ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, tôi hòa cùng dòng người biểu tình đánh trống, gõ mõ vang khắp làng trên, xóm  dưới. Cũng từ đó, tôi hiểu về cách mạng và theo Đảng làm cách mạng. Mười ngày sau đó, tôi tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc. Năm 1948, tôi nhập ngũ. Biết ra đi có thể không trở về, nhưng trách nhiệm đối với non sông không cho phép tôi ngần ngại, phải ra đi để giành độc lập cho dân tộc, giành ruộng đất cho dân cày”. 
 
Và ông luôn trân quý những gì mà Đảng, Bác Hồ mang lại cho quê hương, cho đất nước. “Nếu không có Đảng lãnh đạo, không có Bác Hồ chèo lái con thuyền cách mạng đi đến bến bờ vinh quang thì dân tộc Việt Nam khó có được độc lập, tự do và ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Do đó, tôi muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ và lớp cán bộ hôm nay là hãy sống xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh".
 
Để có cuộc sống ấm no, thanh bình như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam nói chung, người dân Quảng Ngãi nói riêng phải đánh đổi biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt. Hàng chục nghìn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày ở nhà lao Quảng Ngãi, Côn Đảo, Phú Quốc… và tra tấn dã man, nhưng vẫn không khuất phục được lòng yêu nước, ý chí cách mạng của người chiến sĩ. Họ biến nhà tù thành trường học cách mạng, tự tin đấu tranh với quân thù vì nhận thấy luôn có Đảng, có Bác Hồ bên mình.
 
.... Bà Trần Thị Thìn, ở thôn Canh Mo, xã Sơn Nham (Sơn Hà); và đảng viên Thới Công Luận, ở Đồng Lớn, xã Bình Chương (Bình Sơn)  Hồ Thị Kim Cúc, ở thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng.
Bà Trần Thị Thìn, ở thôn Canh Mo, xã Sơn Nham (Sơn Hà); đảng viên Thới Công Luận, ở xã Bình Chương (Bình Sơn) và bà Hồ Thị Kim Cúc, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).
Chủ tịch Hội Tù yêu nước tỉnh Lê Quang Ba – người bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo khoảng 17 năm nhớ lại: “Chúng tôi bị còng xiềng ở chuồng cọp, tra tấn dã man hết năm này qua năm nọ, nhưng vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản. Bởi lẽ, chúng tôi có niềm tin vào Đảng, niềm tin tất thắng của cách mạng Việt Nam. Tình cảm với Đảng, với Bác Hồ thiêng liêng lắm, là nguồn sức mạnh để chúng tôi vượt qua tất cả mọi cực hình tra tấn. Dù có hy sinh thân mình, chúng tôi vẫn quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ hình ảnh lãnh tụ muôn vàn kính yêu".
Tình yêu đối với Đảng, với Bác Hồ là vậy đó, được người dân Quảng Ngãi thể hiện theo cách riêng của mình. Như đồng bào Cor ở huyện vùng cao Trà Bồng, sau khi Bác mất năm 1969, họ tự nguyện chuyển sang họ Hồ để tưởng nhớ công ơn trời biển của Người đã mang lại cho dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Cor ở Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi nói riêng. Nhiều nhà còn treo cờ Tổ quốc thường xuyên, thờ ảnh Bác để bày tỏ lòng tri ân và xem như Bác luôn ở bên mình.
 
Như bà Trần Thị Thìn, ở thôn Canh Mo, xã Sơn Nham (Sơn Hà), đã mấy chục năm qua, cứ đến ngày sinh nhật Bác gia đình bà đều làm mâm cơm dâng lên bàn thờ để tưởng nhớ vị cha già của dân tộc. Gia đình bà Thìn còn treo ảnh của Các Mác và Lênin, ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với cờ Đảng, cờ Tổ quốc. 
 
Chồng của bà Thìn là lão thành cách mạng Trần Đình Chiến, hơn 50 năm tuổi Đảng. “Trước lúc mất, ông nhà tôi căn dặn là phải gìn giữ những hình ảnh đó để giáo dục con cháu. Chúng ta có cơm ăn, áo mặc, sống trong hòa bình và đất nước có được vị thế, cơ đồ như ngày hôm nay cũng là nhờ Đảng và công lao to lớn của Bác”, bà Thìn kể.
 
Đảng viên Thới Công Luận, ở Đồng Lớn, xã Bình Chương (Bình Sơn) cũng vậy. Năm nay ông Luận có hơn 60 năm tuổi đảng và đã hơn 40 năm treo ảnh Bác Hồ, Các Mác, Lênin, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà. Ông Luận cho rằng, nhờ có Các Mác, Lênin, Bác Hồ, bác Đồng, bác Giáp… mà đất nước ta mới được như ngày hôm nay. 
 
“Tôi không thể nào quên lời Bác từng nói, đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Bác sẽ vào thăm miền Nam... Tiếc rằng, Bác chưa kịp thực hiện lời hứa với đồng bào miền Nam thì đã đi xa! Vì thế mà gia đình tôi quyết định thờ Bác”, ông Luận bộc bạch.
 
Được biết, cha và anh trai ông Luận là liệt sĩ. Mẹ ông là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ đời ông nội, đời cha rồi đến thế hệ của ông đều bám trụ ở Đồng Lớn để hoạt động cách mạng, nuôi giấu chiến sĩ cộng sản. Khi đất nước thống nhất, ông lại bám trụ nơi đây để phát triển kinh tế.
 
Nhìn lại dòng chảy lịch sử cách mạng, các thế hệ người con sinh ra trên quê hương Quảng Ngãi hôm nay và mai sau sẽ mãi tự hào về thế hệ cha ông kiên cường, bất khuất. Theo tháng năm, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng với mục tiêu cao đẹp là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, mãi được trao truyền qua các thế hệ như mạch nguồn của sự sống. 
 
“Công lao của các thế hệ cha anh đi trước sẽ mãi là hành trang trên chặng đường bước đến tương lai của thế hệ trẻ hôm nay. Chúng tôi nguyện ghi nhớ và ra sức phấn đấu học tập, lao động, làm việc để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước”, đảng viên Nguyễn Thị Thúy Huỳnh (34 tuổi), Bí thư Đoàn Cục Thuế tỉnh, một trong những đảng viên trẻ tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, tự hào nói. 
 
 
[video(69290)]
Bài, ảnh: P.LÝ
 
Quay phim: ÁI KIỀU - M.LỰC
Thiết kế, trình bày: L.H
 
 
 
Xuất bản lúc: 02:10, 18/10/2021