"Ngọn đèn" giữa thảo nguyên Bùi Hui

10:05, 27/05/2019
.
 
 
(Baoquangngai.vn) – Nếu nói 60 năm cuộc đời thì thầy giáo Phạm Văn Triệu, quê ở xã Ba Cung, giáo viên cắm bản ở điểm trường thôn Bùi Hui, xã Ba Trang (Ba Tơ) đã dành hơn nữa cuộc đời mình cống hiến cho giáo dục vùng gian khó nhất.
 
Từ TP. Quảng Ngãi ngược lên Ba Tơ, rồi ngược đường rừng ngót 11km trên con đường đèo cứu hộ heo hút thăm thẳm đến xã Ba Trang. Từ đây tiếp tục leo trên con đường 8km dốc đứng đất đá lởm chởm vượt qua con dốc Cổng Trời (điểm cao nhất của thảo nguyên, cao 628m so với mực nước biển), mới nhìn thấy điểm trường thôn Bùi Hui.
 
Điểm trường thôn Bùi Hui thuộc Trường DTBT TH&THCS Ba Trang nằm ở đầu thôn, nơi có mấy chục căn nhà nhỏ nhỏ san sát nhau khuất sau thảo nguyên bạc ngàn màu tím hoa sim. Đây là điểm trường đặc biệt, chỉ vỏn vẹn 8 học sinh, 3 học sinh lớp một và 5 học sinh lớp hai.
 
 
LỚP HỌC CHIA ĐÔI
 
Vừa phục hồi sau cơn tai biến, giọng nói yếu ớt, bước chân khập khiễng bước vào lớp học, người gieo chữ trên thảo nguyên Bùi Hui nom như đã về hưu lâu lắm rồi. Mấy đứa học trò da đen nhẻm, tóc tai lù xù, quần áo xộc xệch đứng dậy trò vòng tay chào ông. 
 
Học sinh lớp hai ngồi dãy bên trái, dãy bên phải là 3 học sinh lớp một. Hôm nay là bữa học cuối cùng trước khi các em bước vào thi kết thúc năm học. Cái bảng đen được chia ra làm đôi.
 
Ngồi vắt vẻo trên những chiếc bàn cũ kỹ, 5 học sinh lớp hai cất cao giọng theo nhịp thước gõ toong toong của thầy Triệu “Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi. Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”. 
 
Quay sang bên phải, thầy nắn nót ghi bài tập toán cho học sinh. Các em say sưa nghe giảng, hăng hái giơ tay lên đọc, giải bài tập. Khó khăn, thiếu thốn đã không ngăn được sự ham học của các em. Buổi chiều nắng oi bức, ngoài trời ve sầu kêu râm ram, tiếng trẻ con ê a bên lớp học. Khuôn mặt của những đứa trẻ Hrê gầy guộc, nhưng ánh mắt sáng long lanh.
 
Một căn phòng nhưng 2 lớp học ghép.
Một căn phòng nhưng 2 lớp học ghép.
 
Do không có điện nên ánh sáng luôn là thứ cần nhất ở đây. Thầy Triệu phải xoay như chong chóng để giảng bài, kèm cặp cho học sinh giữa hai khối lớp trước khi trời trở giông mây đen bổng chốc kéo đến phủ kín bầu trời. 
 
Em Phạm Thị Y chia sẻ: “Con ước mơ sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người nên phải nghe lời thầy học chăm chỉ”.
 
 
ĐI CÙNG NĂM THÁNG
 
 

 

Sau giờ lên lớp, trong căn phòng ngủ sát bên phòng học, thầy Triệu bắt đầu câu chuyện 34 năm gieo chữ ở vùng cao của mình. Thầy kể, năm 1985, tốt nghiệp hệ 9+1, mang theo hoài bão lớn lao của tuổi đôi mươi, thầy là một trong những người tình nguyện gieo con chữ lên vùng cao huyện Sơn Hà. Như nơi mà con chữ vẫn còn là khái niệm xa vời.
 
Thời điểm ấy, với một thầy giáo trẻ, đây thực sự là một thử thách đầy gian nan. Đã có lúc cơm không có ăn, muốn về nhà phải đi bộ ròng rã cả ngày đường. Hành trình băng rừng, lội suối với biết bao hiểm nguy rình rập nhiều lúc đã khiến đôi chân chàng trai trẻ có lúc tưởng chùn bước.
 
Trong 34 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, thầy Triệu chỉ được dạy ở quê nhà được 2 năm, 32 năm còn lại luân chuyển đến các nơi khó khăn nhất, từ Sơn Hà đến Ba Lế, Ba Trang. Và điểm trường thôn Bùi Hui đã ghi dấu cuộc đời thầy ngót 11 năm.
 
Thầy Triệu bảo, mình xa nhà từ năm 21 tuổi, nay đã có cháu đề huề. Thời còn bám lớp ở huyện Sơn Hà, băng rừng về nhà là một thử thách và mạo hiểm. Ngày đó đường vắng vẻ, người qua lại thưa thớt.
 
 

 

Thầy Triệu bảo: “Đầu tuần, 3 - 4 giờ sáng, dậy nựng đứa con nhỏ rồi băng rừng lội suối men theo đường rừng đến trường. Mùa đông, có khi đi mãi đến tối mới đến điểm dạy. Lúc ấy sức trẻ, nhiệt huyết, nghĩ lại thấy phục mình. Bám lớp cả tháng mới về nhà. Thương vợ con ở nhà”.

Gieo chữ vùng cao kham khổ quá không ít người phải giã từ phấn trắng bảng đen. Nhưng thầy Triệu vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục vùng gian khó. Từ khi bám lớp ở điểm trường Bùi Hui, thầy Triệu lấy niềm vui của học sinh làm niềm vui của mình.
 
 
THƯƠNG LẮM NGƯỜI CẮM BẢN
 
Dù khoảng cách từ nhà đến trường gần hơn các điểm trường trước, nhưng cái khó thiếu ăn, thiếu mặc, không nước, không điện, không đường vẫn đeo bám thầy trò, người dân nơi đây.
 
Mùa đông, đường lầy lội, trơn trượt, ngã lên ngã xuống, được tới điểm trường thì người không còn chỗ nào sạch sẽ. Để vượt qua quảng đường rừng lầy lội và đá đen lởm chởm, thầy Triệu tháo bỏ bửng xe, bọc sên tránh vướng bùn đất, độ lại cái thắng xe bằng thanh sắt hiệu, bẻ cong thật cao để khỏi va vào đá.

Thầy kê bốn chiếc bàn cũ ọp ẹp làm chiếc giường. Ngoài giờ lên lớp, thầy lội bộ qua quảng đường cả km vượt qua mấy con dốc lấy nước khe suối về dùng. Hôm tôi ghé, trong căn chòi được phụ huynh dựng lên làm bếp cho thầy nấu ăn chỉ đơn sơ là gạo, ba túi múi iốt, chai nước mắm. Bữa trưa của thầy thường trực là mì tôm.
 
 

 


Ngày quây quần với lũ trẻ, đêm về chỉ có một mình. Những ngày đông ăn cơm với muối, mây sà sát mặt đất không thấy đường đi. Không điện, không tivi, sóng điện thoại năm khi mười họa mới bắt được, thầy Triệu nằm một mình hiu quạnh giữa núi  rừng.
 
Đôi khi thấy nản vì buồn, nhớ vợ, con, cháu quay quắt, nhưng nghĩ đến bọn trẻ đói ăn, thiếu mặc, khát chữ thầy không nỡ lòng. Nếu không có lòng yêu nghề, yêu lũ trẻ, khó ai có thể làm được. Bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy Triệu đã kiên trì bám trường, bám bản gieo ước mơ cho học sinh của mình. Thầy đã là một phần của núi rừng nơi đây, như  ngọn đèn giữa thảo nguyên Bùi Hui lộng gió.
 
“Thấm thoát đã 34 năm. Đã 55 tuổi lại bị biến chứng sau tai biến, chân yếu, chạy xe ngã lên ngã xuống, lưỡi hơi bị đớ. Hơn nữa cuộc đời gắn bó với bản làng vùng cao, hết năm nay tôi xin về hưu trước tuổi để dưỡng bệnh. Nghỉ dạy rồi chắc nhớ học sinh, nhớ dân bản lắm đấy!” - thầy Triệu bùi ngùi tâm sự.
 
 
 

 

Khi chúng tôi trở về, mây đen bao trùm cả núi rừng, mưa kèm giông sét vang rền, những tia sét sáng rực dọc ngang bầu trời. Băng qua mấy con đường đá, tôi nghe văng văng bên tai lời thầy tâm sự.
 
Hiệu trưởng Trường DTBT TH&THCS Ba Trang, thầy Nguyễn Minh Hải cho biết, tuy điều kiện dạy học, ăn ở rất khó khăn, nhưng thầy Triệu luôn nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, gắn bó lâu dài với điểm trường này. Có những nhà giáo như thế rất đáng trân quý, là tấm gương sáng vì sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu vùng xa.
 
 A.KIỀU - T.TƯƠI
 
 
Xuất bản lúc: 10:05, 27/05/2019