Luật Thủy lợi và các văn bản dưới luật: Còn nhiều chồng chéo

02:04, 29/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã thi hành gần 4 năm, nhưng Luật Thủy lợi sửa đổi 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.  
 
Một trong những bất cập của Luật Thủy lợi và các Nghị định, chính là sự bất nhất, chồng chéo. Đơn cử như Nghị định 96/2018 của Chính phủ quy định chi tiết giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi có một số điểm “vênh” với các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Vì vậy, sau gần 4 năm ban hành, nhưng hiện vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi (CTTL) lúng túng, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 96, nhất là việc không thể trích lập Quỹ phúc lợi, Quỹ khen thưởng, khiến người lao động bị thiệt thòi. Ngoài ra, quy trình xây dựng, duyệt giá thủy lợi còn phức tạp, mất nhiều thời gian, sự bất nhất giữa các văn bản hướng dẫn thực hiện. Do đó, dù thời gian áp dụng thực hiện giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo Nghị định số 96 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
 
 Đối với việc xây dựng cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi cũng nhập nhằng, chồng chéo và nhiều vướng mắc. Các hướng dẫn về xây dựng giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi dựa vào mức hỗ trợ của Nhà nước theo khả năng ngân sách, dẫn đến tình trạng giá không ra giá, phí không ra phí. Hơn nữa, từ khi chuyển “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ công ích thủy lợi”, ngân sách nhà nước hỗ trợ không thay đổi so với mức cấp bù miễn thu thủy lợi phí được áp dụng từ năm 2012. Điều này đã phát sinh những khó khăn, bất cập.
 
Bất cập trong việc chuyển từ “phí” sang “giá” là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình thủy lợi, kênh mương bị hư hỏng, nhưng chưa được sửa chữa. Trong ảnh: Kênh chính Liệt Sơn đoạn qua xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ).
Bất cập trong việc chuyển từ “phí” sang “giá” là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình thủy lợi, kênh mương bị hư hỏng, nhưng chưa được sửa chữa. Trong ảnh: Kênh chính Liệt Sơn đoạn qua xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ).
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi Hà Thế Vinh cho rằng, mức cấp bù theo cơ chế thủy lợi phí được quy định theo Nghị định 67/2012 của Chính phủ và áp dụng từ năm 2012 đến nay, nhưng các chi phí cấu thành giá đều tăng hằng năm. Trong khi đó, doanh thu của đơn vị chủ yếu đến từ hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, dẫn đến tình trạng thu không đủ chi. Vì vậy, về lâu dài, cần nghiên cứu tách bạch giữa cơ chế giá và cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực khai thác thủy lợi.
 
Còn Nghị định 67 quy định hồ chứa nước (HCN) có dung tích trữ từ 50 triệu mét khối trở lên phải có 5 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, trong đó, có ít nhất 2 người có thâm niên quản lý, vận hành đập, HCN từ 5 năm trở lên. Trạm bơm có từ 9 máy trở lên phải bố trí 3 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, 1 kỹ sư cơ điện, 10 trung cấp cơ điện, hoặc thủy lợi có thâm niên quản lý, vận hành từ 5 năm trở lên. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn cho rằng, quy định này không phù hợp với điều kiện thực tế, vừa làm khó các đơn vị quản lý và vận hành, vừa gây lãng phí nguồn nhân lực lẫn kinh phí. Ngay cả doanh nghiệp chuyên ngành là Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Ngãi hiện đang vận hành và khai thác nhiều HCN lớn trên địa bàn tỉnh cũng chưa đáp ứng được quy định về nguồn nhân lực, cũng như chi phí, kinh phí quản lý.
 
Bên cạnh đó, Luật Thủy lợi và một số Nghị định “quên” đề cập đến các chủ thể (UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc các sở, ban ngành - PV) tham gia ký kết hợp đồng, thanh lý hợp đồng đối với bên sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi; chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành trong trường hợp “tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đã tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, nên rất khó, thậm chí chưa triển khai thực hiện việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo Nghị định 129/2017. 
 
Ngoài ra, Thông tư 05 của Bộ NN&PTNT quy định về lập, ban hành và thực hiện quy trình vận hành CTTL, cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ CTTL, quản lý khai thác CTTL nhỏ, thủy lợi nội đồng. Tuy nhiên, việc cắm mốc chỉ giới thủy lợi tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, chồng chéo trong thủ tục hành chính. Thậm chí, khu vực cắm mốc chỉ giới đã có quyền sử dụng đất, nên gây khó khăn cho việc thực hiện.
 
Với những vướng mắc, bất cập trên, Sở NN&PTNT đã báo cáo và đề xuất Bộ NN&PTNT trình các bộ, ngành trung ương xem xét đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủy lợi và các Nghị định, đảm bảo tính thiết thực, cũng như hiệu quả trong quá trình thực thi.
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 

.