Khi nào phải bảo dưỡng, láng đĩa phanh ô tô?

10:12, 25/12/2020
.
Phanh xe là bộ phận an toàn quan trọng hàng đầu trên chiếc xe. Người dùng cần bảo dưỡng và thay thế định kỳ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Người dùng Việt thường có thói quen "hỏng gì sửa nấy". Đây là thói quen rất nguy hiểm bởi những bộ phận nhạy cảm như phanh xe nếu hỏng hay trục trặc thì nguy cơ tai nạn khi đó đã hiện hữu. Do vậy bộ phận phanh xe cần được bảo dưỡng định kỳ theo thời gian hoặc theo số km, ngay cả khi nó đang hoạt động tốt.
 
Theo thời gian, má phanh và đĩa phanh sẽ đều mòn, giảm dần tác dụng. Trước các chuyến đi dài người dùng nên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống phanh xe để đảm bảo nó hoạt động tốt, tránh những nguy cơ tiềm ẩn.
 
Việc bảo dưỡng bao gồm kiểm tra dầu phanh, bố phanh (má phanh), đĩa phanh và hệ thống thủy lực. Các gara sẽ vệ sinh, bổ sung dầu, thay thế linh kiện hao mòn nếu cần.
 
Đĩa phanh  sau một thời gian sử dụng, dưới sự tác động của việc phanh cùng môi trường bên ngoài như đất, đá, nhiệt độ,... có thể bị cong vênh, làm đĩa phanh bị gồ ghề hay độ dày không đồng nhất. Từ đó khiến cho hiệu quả ma sát kém đi, phanh giảm hoặc mất "ăn". Trong những trường hợp này việc, láng đĩa phanh được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề.
 
 Đĩa phanh ôtô được cấu tạo bằng thép hoặc gốm carbon.  Với chất liệu thép, đĩa phanh ôtô sẽ hoạt động tốt nhất trong 80.000 - 128.000 km. Với phanh đĩa gốm carbon thì thời gian có thể lâu hơn. Như vậy, sau 8-10 vạn km có thể bạn phải láng lại đĩa phanh. Tốt nhất, người dùng nên kiểm tra định kỳ hệ thống phanh sau mỗi 2 vạn km.
 
Trường hợp nào cần kiểm tra, bảo dưỡng phanh lập tức?
 
Nếu xe bạn gặp phải một số dấu hiệu liệt kê dưới đây thì bạn nên đưa xe đi bảo dưỡng để thợ xe phát hiện lỗi và thay thế đĩa phanh nếu cần.
 
-  Tiếng ồn khi phanh: Khi nhấn phanh, nếu bạn nghe thấy tiếng mài mòn, tiếng rít,... thì có thể đĩa phanh của bạn đã bị mài mòn đến mức báo động và chạm vào tấm kim loại. Nếu đạp pedal phanh có tiếng kêu lục cục thường cũng là dấu hiệu cho thấy các má phanh đã quá mòn hoặc hệ thống phanh khô dầu, cần bảo dưỡng.
 
-  Xe bị rung lắc, hoặc chệch hướng, bó chặt khi phanh: Các tình huống này cho thấy các má phanh mòn không đều, một hoặc nhiều cụm phanh không "ăn", khiến cho chiếc xe bị chệch hướng. Trong các tình huống đường đông đi chậm, bạn tác động lực nhẹ lên bàn đạp phanh mà xe vẫn bị phanh khựng lại cũng là một dấu hiệu bất thường, cần kiểm tra.
 
- Đạp phanh sát xuống sàn xe... vẫn trôi: Rõ ràng là dấu hiệu cho thấy đĩa phanh/ má phanh đã quá mòn. Hệ thống phanh hoạt động không hiệu quả. Trong trường hợp này cần mang xe đi bảo dưỡng lập tức.
 
Theo Bảo Khánh/Dân Trí

.