Việc bảo vệ người tố cáo phải căn cứ theo các quy định của pháp luật

10:12, 02/12/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày gần đây, một số phương tiện thông tin, nhất là các báo điện tử đã đưa tin Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phan Văn Hiếu (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành) phản ánh, sau khi ông phản ánh những vấn đề tiêu cực ở huyện Nghĩa Hành thì bị đe dọa, nên ông đã có đơn gửi các cấp, ngành yêu cầu được bảo vệ. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Võ Văn Dương về vụ việc này. 
 Đại tá Võ Văn Dương. ẢNH: PV
Đại tá Võ Văn Dương. ẢNH: PV
PV: Thưa ông, đến nay cơ quan công an đã tiếp nhận đơn yêu cầu được bảo vệ của ông Phan Văn Hiếu chưa? Việc chỉ đạo bảo vệ ông Hiếu sẽ thực hiện như thế nào?
 
Đại tá Võ Văn Dương: Cơ quan công an đã nhận được đơn yêu cầu bảo vệ của ông Phan Văn Hiếu và gia đình ông vào cuối tháng 10.2019. Cách đây vài ngày, chúng tôi tiếp tục nhận được công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao Công an tỉnh xem xét, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của ông Phan Văn Hiếu cùng với người thân của ông.
 
Qua nội dung đơn ông Hiếu gửi các cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, ông Hiếu đã phản ánh những sai phạm của Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành. Đối với việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật khác, qua kiểm tra hệ thống tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố của Công an huyện Nghĩa Hành và trong toàn lực lượng công an tỉnh thì đến thời điểm này, chúng tôi không nhận được thông tin gì của ông Hiếu tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật, ngoại trừ đơn tố giác yêu cầu làm rõ tin nhắn hù dọa gia đình ông.
 
Theo Luật Tố cáo, chúng tôi nhận thấy, đến thời điểm này chưa có cơ sở để tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ đối với ông Hiếu. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hiếu như nội dung đơn yêu cầu của ông, chúng tôi đã giao Công an TP.Quảng Ngãi và Công an phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi (nơi ông Hiếu cư trú - PV) mời ông Hiếu lên làm việc vào ngày 18.11.2019 để ông Hiếu nói rõ nội dung yêu cầu cần bảo vệ.
 
PV: Vậy những nội dung ông Phan Văn Hiếu trình bày là gì, thưa ông?
 
Đại tá Võ Văn Dương: Qua làm việc với Công an phường Chánh Lộ, ông Hiếu trình bày 4 nội dung, nhưng những nội dung này Công an huyện Nghĩa Hành và Công an tỉnh đã kết luận thông tin ông Hiếu cung cấp là không có cơ sở kết luận để xem xét, áp dụng biện pháp bảo vệ như ông yêu cầu. Cụ thể:
 
Thứ nhất là, ông Hiếu nêu, ngày 29.5.2017, sau khi ông đi dự lễ bế giảng tại Trường THPT chuyên Lê Khiết ở TP.Quảng Ngãi (bằng xe ô tô của cơ quan) trở về, đến vòng xoay thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), ông Hiếu bất ngờ bị một kẻ lạ mặt dùng đá ném vỡ kính xe ô tô. Kết quả xác minh và qua trình bày của lái xe Phan Văn Việt thì được biết, sau khi dự lễ bế giảng xong, lái xe đã đưa ông Hiếu về nhà riêng của ông ở phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi, sau đó đưa xe ô tô về lại cơ quan Huyện ủy Nghĩa Hành, khi đến thị trấn Chợ Chùa thì bị một nam thanh niên ném đá làm vỡ kính sau của xe. 
 
Theo lái xe Việt nhận định, nhiều khả năng xe ô tô đi vào vũng nước làm nước văng gây ướt người đi đường nên bị người đi đường đuổi theo ném đá. Sáng ngày 30.5.2017, lái xe Việt đến trình báo tại Công an huyện. Qua truy xét, Công an huyện Nghĩa Hành không tìm được người ném đá vào xe (mặc dù đã trích xuất camera an ninh, song không có dữ liệu vụ việc; lời khai của lái xe Việt không đủ cơ sở để xác minh, kết luận). 
 
Như vậy, việc ông Hiếu cho rằng “ông bất ngờ bị một kẻ lạ mặt dùng đá ném vỡ kính xe ô tô” là không đúng bản chất vụ việc nêu trên; còn việc xe ô tô bị ném đá có liên quan đến ông hay không thì không có cơ sở kết luận.
 
Thứ hai là, ông Hiếu cho biết, chiều tối 2.11.2017, trên đường đi làm về đến đoạn đường Đồng Dinh, giáp ranh giữa thị trấn Chợ Chùa và xã Hành Thuận, ông bị một kẻ lạ mặt ép xe máy vào lề và nói: “Mày (ông Hiếu) đừng tọc mạch và dòm ngó chuyện người khác, nếu không coi chừng đó”. 
 
Vụ việc nêu trên, ông Hiếu không trình báo cơ quan công an; tự bản thân ông Hiếu cung cấp thông tin với báo chí, nên không có cơ sở để kết luận.
 
Thứ ba là, ông Hiếu cho rằng bị đe dọa bằng một tin nhắn từ số thuê bao +84393488508 vào lúc 7 giờ 20 phút ngày 5.12.2018 (không phải là nhiều tin nhắn như ông Hiếu thông tin với báo chí).
 
Kết quả xác minh thì chủ thuê bao trước đó là bà Võ Thị Kim (1964), ở xã Hành Thiện (Nghĩa Hành). Bà Kim thừa nhận số điện thoại trên là của bà, đã sử dụng cách thời điểm xác minh khoảng 3 - 4 năm, sau đó đã bỏ không sử dụng. Thời điểm ông Hiếu trình báo, Công an huyện Nghĩa Hành đã phối hợp phòng nghiệp vụ Công an tỉnh xác minh, kết luận là sim rác, do sim này chỉ nhắn tin một lần duy nhất vào máy ông Hiếu, rồi ngưng hoạt động, nên không đủ yếu tố kỹ thuật và nghiệp vụ để xác minh kết luận.
 
Thứ tư là, việc ông Hiếu trình báo với Công an phường Chánh Lộ vào ngày 18.11.2019, ông bị kẻ xấu vào nhà lấy mất điện thoại vào thời điểm tháng 7.2019. Kiểm tra lại việc tiếp nhận nguồn tin tố giác tội phạm ở công an phường cũng như trên địa bàn thành phố, thì không có nguồn tin nào tiếp nhận ông Hiếu tới trình báo về việc mất máy điện thoại. Tại buổi làm việc ngày 18.11.2019, Công an phường Chánh Lộ có hướng dẫn ông Hiếu làm đơn trình báo; đồng thời hướng dẫn ông báo lên Công an TP.Quảng Ngãi để truy xét. Tuy nhiên, với dữ liệu ông Hiếu cung cấp thì cơ quan công an không đủ căn cứ để truy xét. Đến thời điểm này, ông Hiếu cũng không làm đơn trình báo về việc mất điện thoại.
 
PV: Từ vụ việc của ông Phan Văn Hiếu, ông có khuyến cáo gì đối với người dân.
 
Đại tá Võ Văn Dương: Đối với yêu cầu bảo vệ, khi người dân có nguy cơ hiện hữu, hoặc đã xảy ra vụ việc bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của người tố cáo thì cơ quan chức năng phải có bước kiểm tra, đánh giá tính xác thực, có căn cứ xảy ra thực tế hay không thì cơ quan công an mới có biện pháp bảo vệ.
 
Trong trường hợp này chúng tôi đề nghị người dân cần lưu ý. Đã là công dân thì bất kỳ ai cũng có quyền yêu cầu được bảo vệ khi là người tố cáo và bị xâm hại, hoặc nguy cơ hiện hữu bị xâm hại. Nhưng đối với cán bộ, đảng viên thì khác với người dân. Nếu là viên chức thì bị điều chỉnh bởi Luật Viên chức; nếu công chức thì bị điều chỉnh theo Luật Công chức; nếu là đảng viên thì chỉ được làm những gì pháp luật và Đảng cho phép.
 
Ngoài ra, hằng năm lực lượng công an tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin, nguồn tin tố cáo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự với hàng ngàn vụ, việc. Do đó, khi yêu cầu bảo vệ theo quy định của Luật Tố cáo, người yêu cầu cần phối hợp và cung cấp bằng chứng một cách khách quan, xác đáng để cơ quan công an đủ căn cứ thực hiện các biện pháp bảo vệ.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
SÔNG TRÀ 
(thực hiện)
 
 

.